Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Đồng tiền Nga mất giá và nỗi lo của người Nga

Giá dầu liên tục "phá đáy" cùng hàng loạt lệnh trừng phạt Moscow được phương Tây tung ra đang khiến nền kinh tế Nga có nguy cơ suy thoái mạnh hơn.

Trước tình hình này, chính phủ Nga đã gia tăng các biện pháp bảo vệ nền kinh tế.
Đồng Ruble Nga đang suy yếu (ảnh: BBC)
Hôm qua Hạ viện Nga thông qua dự luật cho phép bổ sung vốn thêm 1.000 tỷ Ruble (16,5 tỷ USD) cho các ngân hàng thông qua Cơ quan bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức trái phiếu Liên bang.
Ngoài ra, Hạ viện cũng đã thông qua dự luật cho phép đưa 10% tài chính của Quỹ đầu tư quốc gia vào tiền gửi và trái phiếu của các ngân hàng Nga nhằm bổ sung vốn cho các ngân hàng chủ chốt của Nga để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tự hoàn vốn.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, các ngân hàng có thể bắt đầu được bơm thêm vốn từ đầu năm tới. Ông cho biết, hoạt động bơm tiền cho hệ thống ngân hàng này sẽ giúp tăng nguồn vốn ngân hàng thêm 13% đủ đáp lại những biến động tiêu cực do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng đối với hệ thống ngân hàng Nga hiện nay.

Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov nói: “Chính phủ cùng với các ngân hàng sử dụng phương tiện khác nhau hỗ trợ hệ thống ngân hàng. Chúng tôi sử dụng nguồn vốn của Qũy đầu tư quốc gia để thực hiện các dự án chúng tôi đã thảo luận, nhưng chúng tôi có ý định đầu tư nguồn vốn này qua các ngân hàng thương mại. Và các ngân hàng sẽ sử dụng nguồn vốn này để thực hiện các dự án tương tự”.

Từ đầu năm tới nay, đồng Ruble đã mất giá hơn 45% so với USD. Theo tạp chí Kinh tế (Economist), Nga nhập khẩu một lượng lớn với tổng giá trị hàng hóa đến năm 2013 là 341 tỷ USD. Vì vậy việc đồng Ruble xuống giá nhanh chóng đã gây ra lạm phát. Tỷ lệ lạm phát được dự đoán là 9% vào cuối năm nay. Đồng Ruble suy yếu cũng sẽ khiến việc trả lãi nợ nước ngoài của Nga trở nên tốn kém hơn. Nợ chính phủ của Nga vào khoảng 57 tỷ USD, nhưng khoản nợ của các doanh nghiệp nước này còn cao hơn gấp 10 lần.

Dự tính khoảng cuối năm 2015, các doanh nghiệp Nga sẽ phải hoàn trả khoảng 130 tỷ USD nợ nước ngoài. Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ Nga đã đưa ra nhiều giải pháp để kìm hãm đà lao dốc của đồng nội tệ. Riêng trong tháng 10 vừa qua, Moscow đã chi 30 tỷ USD để ngăn đà trượt giá của đồng Ruble.

Ngày 1/12 vừa qua, Nga bán 700 triệu USD ra thị trường ngoại tệ sau khi đồng Ruble lao dốc. Nhưng có vẻ như các biện pháp này vẫn chưa thể bình ổn giá trị đồng nội tệ, dù đã tăng mua Ruble trên thị trường và nâng lãi suất cho vay cơ bản lên 17% (trong một cuộc họp khẩn cấp ngày 15/12) –một mức gấp đôi hồi đầu năm.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Nga cũng không thấm vào đâu bởi đà giảm giá của dầu thô (một sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đóng góp một nửa ngân sách cho nước này) và mối lo phương Tây gia tăng trừng phạt lên Nga quanh vấn đề Ukraine. Giá dầu thô hiện tại chỉ quanh mức 60 USD/ thùng, giảm 40% chỉ trong 6 tháng. Giới chuyên gia cho rằng Nga chỉ "thoát nạn" nếu giá dầu sớm trở lại lên ngưỡng 95 USD/ thùng. Song, mọi dự báo đều cho thấy giá dầu sẽ còn tiếp tục suy yếu trong cả năm 2015.

Rõ ràng, người dân Nga đang phải đối mặt với một thực tế rất khắc nghiệt: Suy giảm kinh tế. Đồng nội tệ mất giá, hàng hóa ngày càng đắt đỏ, còn đầu tư nước ngoài thì cạn kiệt. Các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu đã khan hiếm hơn do ảnh hưởng của biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt từ phương Tây của Moscow. Tình thế khó khăn đã khiến các tầng lớp lao động bình dân và hưu trí của Nga bắt đầu dự trữ từ muối, diêm, mì ống, bột đến các nông sản... Trong khi đó, tầng lớp trung lưu đổ đi mua ti vi, xe hơi, thiết bị gia dụng vì lo ngại sau năm mới giá cả sẽ tăng cao.

Mặc dù nền kinh tế Nga đang lâm nguy và nhiều khả năng rơi vào suy thoái trong năm 2015, nhưng phát biểu tại cuộc gặp các doanh nhân hàng đầu của Nga tại thủ đô Moscow vào hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, tình hình kinh tế hiện nay của Nga là do các yếu tố bên ngoài tác động; đồng thời khẳng định tình trạng khủng hoảng hiện nay có thể kéo dài nhiều nhất là 2 năm và nền kinh tế Nga có thể phục hồi nhanh hơn nếu các yếu tố bên ngoài biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Ông Putin nói: "Chúng ta có nhiệm vụ không dễ dàng ở phía trước và có lẽ chúng ta sẽ phải đi qua một giai đoạn khó khăn trong sự phát triển của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, giải quyết những nhiệm vụ khó khăn trước mắt bằng cách đa dạng hóa nền kinh tế”.

Dù sao bất chấp nền kinh tế có xu hướng đang xấu đi nhưng  những động thái vừa qua của Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Nga được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu đầu tiên nhằm củng cố đồng Ruble. Đây là nhiệm vụ quan trọng của chính sách tài chính quốc gia và việc tác động ổn định đồng Ruble chính là một trong những biện pháp chống lạm phát./.

 VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến