Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Người phụ nữ duy nhất trong vụ sập hầm: ‘Cứ sống tốt sẽ không ai bỏ mình đâu’

Tối 20.12, sức khỏe của chị Đặng Thị Hồng Ngọc - người phụ nữ duy nhất bị nạn trong vụ sập công trình Đạ Dâng - Đạ Chomo đã tốt hơn. Mặc dù giọng nói còn yếu nhưng nụ cười đã nở trên môi chị. Được sự đồng ý của anh Phạm Viết Bắc - chồng chị Ngọc, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi để hiểu thêm cuộc sống vất vả trong 4 ngày dằng dặc bóng tối của người phụ nữ dũng cảm này.

  Chồng chị Ngọc - anh Phạm Viết Bắc - luôn ở bên cạnh để chăm sóc vợ
Đến tối 20.12, chị Ngọc đã khỏe hơn nhưng chưa thể tự ngồi dậy được -
Ảnh: Độc Lập
Mở đầu câu chuyện, chị Ngọc cho biết trong hai ngày đầu ở trong hầm không đến nỗi lo lắng lắm nhưng đến ngày thứ 3, thứ 4 nước bắt đầu dâng lên thì mới thấy lo.
- Lúc bị kẹt trong hầm, chị nghĩ về điều gì nhiều nhất?
Nghĩ về con vì con còn qua nhỏ. Mình chưa làm tròn bổn phận nuôi dạy con đến nơi đến chốn nay lại bị kẹt như thế này thì tội nghiệp con lắm. Nuôi con thì không ai bằng mẹ (nói xong nước mắt chảy - PV). Rồi nghĩ về gia đình, anh chị em. Em thấy thương mọi người.
- Cháu bao nhiêu tuổi?
Con em năm nay 5 tuổi, tên cháu là Phạm Viết An. Hiện giờ cháu đang ở quê với ông bà nội.
- Chị vào và làm ở công trường lâu chưa?
Em vào được một thời gian ngắn. Trước đó em làm ở quê Nghệ An, gần nhà nên hay về thăm con. Lần này đi xác định tết mới về được vì xa quá. Mỗi lần đi về vất vả tốn kém.
- Những ngày ở trong hầm, tâm trạng chị thế nào, có lo lắng không?
Hai ngày sau mới lo chứ ngày đầu được anh em động viên cũng bình tĩnh lắm. Thức ăn mọi thứ đầy đủ, không khí vẫn được phía ngoài cung cấp thường xuyên.
- Lúc đó có sợ không?
Chỉ lo khi thấy nước dâng lên vì nếu dâng lên chỉ có chết thôi. Chứ nước không dâng thì không sợ, em vẫn có thể chờ đợi được.
- Hơn 4 ngày dằng dặc trong hầm bịt kín, có lúc nào chị thấy tuyệt vọng không?
Không đến nỗi tuyệt vọng vì mình vẫn đang liên lạc được với phía ngoài. Em vẫn tin tưởng là đang có nhiều người sẽ giúp đỡ mình.
- Sinh hoạt của chị mấy ngày trong hầm khó khăn thế nào? Đàn ông kẹt trong hầm cực một, phụ nữ như chị chắc cực mười mà.
Không đâu. Phụ nữ được ưu tiên hơn. Không phải đi lại giao tiếp, nói chuyện với bên ngoài. Mỗi lần đi lại phải lội dưới nước. Em là phụ nữ nên không phải đi. Mỗi khi bên ngoài thông tin gì thì người đi nghe về sẽ thuật lại cho em nghe. Chỉ cập nhật thông tin khi nào được ra ngoài, có ai hỏi thăm mình không. Người đi sẽ truyền đạt cho người ngồi lại. Chia nhau mỗi lần hai người đi. Một ngày đi khoảng 3-4 lần gì đó.
Còn sinh hoạt đều một chỗ. Giữa sự sống và cái chết, không ai rầy rà (nề hà - PV) gì cả. Ai cũng như ai. Với lại ở trong hầm tối lắm, không ai thấy gì đâu. Mỗi lần đi vệ sinh, em đều yêu cầu mấy anh quay mặt chỗ khác...
- Ở trong đó chị có ngủ được chút nào không?
Chỉ mệt quá thì thiếp đi. Hầu như không ngủ được vì diện tích xe đổ bê tông nhỏ nên 12 người ngồi lên đó, không có chỗ để nằm. Người ngồi, người đứng. Còn người nào mệt quá thì ưu tiên cho ngủ chút. Nước ngầm trong hầm dột xuống người liên tục.
- Chị có ăn được không?
Cố gắng ăn để hi vọng được cứu ra. Ăn từng ít một. Mỗi lần ăn hay uống phải lấy nón công trình rửa sạch rồi dựng cháo, sữa, nước mà húp. Lạnh thì bên ngoài chuyển nước gừng vào cho uống. Em không đến nỗi lạnh lắm vì không phải lội nước. Còn mấy anh mỗi khi di chuyển phải cởi truồng, rồi mới quay lại mặc áo quần. Vì nếu mặc lội nước ướt sẽ không có áo quần khô mà mặc.
- Lúc nào chị biết tin là mình sẽ được giải cứu?
Đó là một điều bất ngờ vì lúc đó có hai anh đi lấy cháo. Nghe ngoài kia nói thấy có điện sáng. Các anh gọi bọn em ra luôn. Từ chỗ lấy thức ăn vào chỗ em ngồi khoảng 70 mét.
- Cảm giác của chị lúc đó thế nào sau hơn 4 ngày ở trong hầm?
Ra ngoài thấy rất sung sướng. Giống như mẹ cho mình thêm một lần sống nữa vì ở trong toàn là bóng tối không biết lúc nào được cứu ra. Mấy ngày đầu mọi người dùng đèn điện thoại phát ánh sáng nhưng được 2 ngày là hết pin. Cũng nhờ điện thoại mọi người mới biết được ngày giờ và đêm chứ không có điện thoại chắc không biết lúc nào ngày, lúc nào đêm.
- Hiện ở nhà, bố mẹ và con đã biết chị bị nạn và được cứu sống chưa?
Ông bà thì biết. Mọi người không cho con biết, nó thấy mẹ trên ti vi. Mọi người phải nói dối cháu là mẹ ở trong hầm vì tìm cách cứu bác của nó. Cháu điện thoại gặp bố nói cho con gặp mẹ thì bố phải bảo lúc mẹ bận việc, lúc mẹ đi tắm.
- Khi nào chị sẽ về thăm cháu?
Chắc chờ khỏe em sẽ về luôn chứ không đợi đến tết nữa. Em nhớ cháu lắm rồi nhưng bác sĩ bảo ở lại điều trị cho khỏe rồi về. Nên em mới ở lại.
- Nghe kể, chắc trong cuộc sống chị là người can đảm?
Một chút can đảm nhưng cũng nhờ sự động viên của mọi người, của gia đình.
- Lý do tại sao chị Ngọc lại vào làm ở trong công trường?
Em vào theo chồng và tới công trường để nấu ăn. Nhưng mấy hôm đó do em mới vào nên chưa được phân công. Sáng đó em vào hầm để phụ mấy anh một số việc nhẹ nhàng. Tính vào phụ mấy anh một tí rồi ra làm ở phía ngoài. Không ngờ kẹt trong đó luôn.
- Ngoài dự tính khỏe lên sẽ về thăm con, chị có dự tính gì không?
Về thăm con đã... còn chưa biết được.
- Giờ chị có dám vào hầm nữa không?
Có chứ vì mình tin tưởng có chuyện gì mọi người sẽ cứu mình. Mình cứ sống tốt sẽ không bao giờ bị bỏ rơi đâu.
- Nhưng việc chị được cứu ra là điều kì diệu?
Rất bất ngờ vì chưa nghĩ mình được cứu ra đâu. Lần nói chuyện cuối cùng anh kia bảo còn khoảng 8 tiếng nữa, tức là dự tính 8 giờ đêm mới được cứu ra. Em là người ra thứ 3.
- Mọi người đều trao đổi thông tin với người thân qua ống thép, vậy suốt thời gian đó chị có bao giờ nói chuyện với chồng bằng cách này đâu?
Em không đi được vì nước dâng cao, mà con gái cởi quần áo trước mọi người ngại lắm. Nhưng em vẫn cập nhật thông tin chồng thường xuyên qua mọi người.
“Ngày xưa Ngọc đẹp nhất làng đó. Sinh Ngọc là do vỡ kế hoạch vì lúc đó cha đã nhiều tuổi rồi. Là con út nên được cha mẹ thương lắm, đi đâu cũng nhắc nó suốt”, chị Thiết - chị gái của chị Ngọc - từ quê vào chăm em, nói.
Theo TNO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến